Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và giải thưởng sách Hay, sách Đẹp - 2011
(NXBGDVN) Ngày 27 tháng 12 năm 2011, tại Bộ Thông tin – Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam đã tổ chức Lễ trao giải thưởng Sách Việt Nam lần thứ 7 – 2011. Đây là giải thưởng thường niên của Hội xuất bản Việt Nam được trao cho những ấn phẩm xuất bản nhằm phát hiện những cuốn sách có nội dung hay, có giá trị cao về lý luận và thực tiễn, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; những cuốn sách trình bày đẹp, kỹ thuật in đạt chất lượng cao.
Năm 2011, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có 08 tên sách được trao giải gồm:
Sách hay
- Giải Vàng: Việt Nam đất nước con người
- Giải Bạc: Việt Nam các tỉnh và thành phố
- Giải Bạc: Từ điển địa danh văn hóa, lịch sử Việt Nam
- Giải Bạc: Từ điển tranh về các loài thú
- Giải Bạc: Từ điển tranh về các loài chim
- Giải Khuyến khích: Cộng đồng các dân tộc Việt Nam
- Giải Khuyến khích: Tủ sách bé rèn luyện kỹ năng sống (7 quyển)
- Giải Khuyến khích: Từ điển giáo khoa kỹ thuật và công nghệ
Sách đẹp
- Giải Đồng: Từ điển tranh về các loài thú
- Giải Đồng: Từ điển tranh về các loài chim
- Giải Khuyến khích: Việt Nam các tỉnh và thành phố
- Giải Khuyến khích: Cộng đồng các dân tộc Việt Nam
- Giải Đặc biệt: Chiếu dời đô
Thông tin thêm về các đề tài đạt giải
Việt Nam đất nước con người (Lê Thông (Chủ biên), Nguyễn Quý Thao, Bùi Xuân Đính, Đặng Duy Lợi, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Minh Tuệ, Phí Công Việt, Nguyễn Đức Vũ) phác họa một bức tranh toàn cảnh về Việt Nam, giúp cho bạn đọc hiểu biết sâu hơn về thiên nhiên và con người Việt Nam. Cuốn sách giới thiệu một cách có hệ thống về thiên nhiên, con người cũng như các hoạt động kinh tế chủ yếu trên bình diện ngành và lãnh thổ (vùng) của Việt Nam. Bằng hệ thống tài liệu được chọn lọc từ nhiều nguồn khác nhau, cuốn sách làm nổi bật những đặc điểm tiêu biểu về vị trí địa lý, về con người Việt Nam, về các ngành kinh tế quan trọng cũng như về các vùng và một số trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Các tác giả đã vận dụng và cập nhật các tư liệu mới nhất, các quan điểm học thuật hiện đại của khoa học Địa lý để cấu trúc nội dung công trình. Vì thế, tác phẩm không chỉ có giá trị to lớn về mặt khoa học, mà giá trị thực tiễn của công trình cũng nổi lên rõ nét.
Cuốn sách bao gồm 5 phần với 26 chương được trình bày trên quan điểm hệ thống, từ hệ thống tự nhiên cho đến dân cư (con người) và kết thúc bằng hệ thống kinh tế (theo ngành và theo lãnh thổ). Cuốn sách cũng giới thiệu hệ thống bản đồ thể hiện cho từng nội dung cụ thể. Ngoài ra là các hình ảnh được lựa chọn để phản ánh phần nào về thiên nhiên tươi đẹp cũng như các hoạt động kinh tế đa dạng của đất nước. Hệ thống bản đồ và hình ảnh được các tác giả coi như một trong những nội dung quan trọng nhằm bổ sung cho kênh chữ và nâng cao thêm chất lượng cuốn sách. Như vậy cuốn sách đảm bảo tính trực quan trên cơ sở kênh chữ và kênh hình quyện chặt vào nhau, bổ sung lẫn nhau, giúp độc giả có thêm hứng thú khi đọc.
Nhìn chung, cuốn sách được biên tập rất công phu. Hệ thống kiến thức trong cuốn sách không chỉ phong phú đa dạng ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, mà còn đảm bảo được tính khoa học. Các kiến thức đủ độ tin cậy nhưng không quá cao siêu, hàn lâm, giúp độc giả thuộc nhiều trình độ khác nhau vẫn có thể khám phá được những vấn đề mà mình tâm đắc.
Nếu đem nội dung sách đối chiếu với nội dung chương trình môn học Địa lý Việt Nam được giảng dạy ở các trường phổ thông, chúng ta có thể tìm thấy đầy đủ những kiến thức cơ bản đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định, song được trình bày sâu hơn, sinh động hơn, chi tiết hơn. Cuốn sách là tài liệu tham khảo bổ ích giúp các thầy cô giáo trong trường phổ thông thiết kế các bài giảng Địa lý một cách sinh động, hiệu quả.
Việt Nam các tỉnh và thành phố (Lê Thông (Chủ biên), Nguyễn Quý Thao, Nguyễn Minh Tuệ, Lê Huỳnh, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Thị Sơn, Hoàng Phúc Lâm, Trần Ngọc Điệp, Thành Ngọc Linh) phác họa bức tranh tương đối có hệ thống về thiên nhiên con người và các hoạt động kinh tế ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam. Hệ thống kiến thức tập trung vào ba lĩnh vực chuyên môn chính là tự nhiên, dân cư, kinh tế. Các kiến thức này được trình bày ngắn gọn, đảm bảo tính khoa học và cập nhật.
Cuốn sách gồm 8 phần, đầu tiên là các thành phố trực thuộc trung ương và tiếp theo là các tỉnh được sắp xếp theo vùng, tuần tự từ Bắc vào Nam. Về cấu trúc riêng của mỗi tỉnh và thành phố thì đều thống nhất với 3 nội dung: Vị trí địa lý, lãnh thổ và sự phân chia hành chính; thiên nhiên và con người; các hoạt động kinh tế chủ yếu và hướng phát triển. Bên cạnh kênh chữ còn có kênh hình với một bản đồ và một số tranh ảnh cho mỗi tỉnh, thành phố.
Cộng đồng các dân tộc Việt Nam (Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Trung Dũng, Vi Văn An...) được xuất bản nhân dịp Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất - tháng 5 năm 2010. Cuốn sách giới thiệu tổng quan, khái quát bằng ảnh và lời về kinh tế, văn hóa, xã hội của 54 dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam. Mỗi dân tộc có nét riêng về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán và hoạt động kinh tế…
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, các dân tộc luôn kề vai sát cánh, gắn bó máu thịt bên nhau trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai địch họa và xây dựng đất nước. Các dân tộc trên đất nước ta là một cộng đồng thống nhất trong đa dạng, cư trú phân tán và đan xen nhau trên mọi vùng miền của đất nước với cơ cấu dân số và trình độ phát triển không đồng đều. Bản sắc văn hóa từng dân tộc góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam. Đoàn kết các dân tộc luôn là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài của sự nghiệp cách mạng nước ta. Đoàn kết gắn bó là đảm bảo sự sống còn của từng dân tộc cũng như của cả cộng đồng các dân tộc trong quá trình phát triển.
Các dân tộc sinh sống trên đất nước ta có chung một vận mệnh, sự liên kết các thành phần dân cư sớm có ý thức tự giác, cùng chung sống trong một đất nước ngay từ buổi bình minh của lich sử đã tạo nên một cộng đồng quốc gia dân tộc bền vững. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng được củng cố và phát triển, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng.
Từ điển địa danh văn hóa, lịch sử Việt Nam (Nguyễn Như Ý - Chủ biên, Nguyễn Thành Chương, Bùi Thiết) miêu tả hơn 5000 đơn vị địa danh gắn liền với các di tích văn hóa dạng vật thể và phi vật thể được sắp xếp theo các nhóm sau:
- Những địa danh có các di tích lịch sử văn hóa như đền, đình, chùa, lăng, miếu, các đài tưởng niệm, các viện bảo tàng…đã hoặc chưa được Nhà nước xếp hạng, còn nguyên vẹn hoặc đã trở thành phế tích, hoặc chỉ còn tên gọi lưu trong các thư tịch.
- Những địa danh gắn với những di chỉ khảo cổ học đã được phát hiện và miêu tả, ghi chép trong các sách báo, tạp chí hoặc các thông báo khảo cổ học.
- Những địa danh là các thắng cảnh nổi tiếng như núi, sông, hang động, vịnh, biển ... đã trở thành các điểm du lịch, vui chơi giải trí có từ xa xưa hay mới được phát hiện, tạo dựng trong đó gồm những địa danh có các di sản văn hóa vật thể hoặc phi vật thể đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, những khu bảo tồn, vườn quốc gia ...
- Những địa danh là các làng nghề truyền thống, các làng hội, làng danh nhân.
- Những địa danh hành chính từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với các số liệu về diện tích, dân số, các quận, huyện, thị xã; số liệu tổng quan về các hoạt động kinh tế, văn hóa, du lịch, lịch sử, di tích và danh lam thắng cảnh.
Tổ tiên ta từ bao đời đã đổ biết bao xương máu, mồ hôi và nước mắt trên từng tấc đất của Tổ quốc Việt Nam. Điều này đã khiến cho thiên nhiên Việt Nam đi vào đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam. Chính vì thế, biết bao nhiêu địa danh trở thành thiêng liêng bởi chúng gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Bao địa danh đã gắn liền với tâm tư tình cảm, đi sâu vào tâm hồn của mỗi chúng ta. Bao nhiêu di tích lịch sử đã gợi lại cho chúng ta khí phách kiên cường, tình thương mênh mông và trí tuệ tuyệt vời của ông cha ta suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Danh lam thắng cảnh đối với chúng ta không chỉ là cảnh đẹp thiên nhiên mà còn là vẻ đẹp của lòng người. Đó là nơi hội tụ của tâm hồn Việt Nam đã từ bao thế hệ nối tiếp nhau gắn bó với từng ngọn cỏ, từng bông hoa, từng dòng suối chảy và rộn ràng những tiếng chim ca… Địa danh văn hóa, lịch sử chính vì thế không chỉ là tên đất, tên làng, tên núi, tên sông…mà đó chính là những mảnh tâm hồn Việt Nam gắn bó với nhau qua suốt chiều dài lịch sử oai nghiêm, hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Từ điển địa danh văn hóa, lịch sử Việt Nam là cuốn sách được nhiều độc giả yêu thích, trở thành sự mong mỏi của đông đảo độc giả Việt Nam cũng như kiều bào Việt Nam ở nước ngoài mỗi khi có dịp về thăm quê hương, đất nước.
Từ điển tranh về các loài chim (Lê Quang Long, Nguyễn Thị Thanh Huyền) đề cập đến gần 400 loài thú, 500 loài chim bao gồm các loài phổ biến ở Việt Nam và các loài đặc biệt trên thế giới. Mỗi loài thú, loài chim được giới thiệu tên bằng tiếng Việt, tiếng Latinh, tiếng Anh và tiếng Pháp. Hầu hết các loài đều được mô tả ngắn gọn bằng các kiến thức sinh học như đặc điểm hình dạng, màu sắc; nêu tập tính, mùa sinh sản, nơi phân bổ và được minh họa bằng ảnh màu giúp bạn đọc nhận biết dễ dàng hơn. Với nội dung khoa học, hình thức đẹp, cuốn sách sẽ là một tài liệu quý giúp bạn đọc hiểu biết thêm về thế giới động vật.
Chiếu dời đô được trình bày bằng 3 thứ tiếng Hán - Việt - Anh trên giấy dó truyền thống, là ấn phẩm đặc biệt của NXBGDVN chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nguyên bản tiếng Hán được trình bày trên mặt chính, mặt còn lại thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Toàn bộ thư pháp được trình bày trên nền hoa văn lá đề và rồng thời Lý, được vẽ hoàn toàn bằng tay. Sản phẩm là kết quả của 1000 giờ làm việc miệt mài của tập thể biên tập viên, họa sĩ của NXBGDVN đã đến tay bạn đọc đúng vào dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Theo NXBGDVN